Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải: Người đứng đầu các cấp phải thực sự tiên phong

(PLO)- Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải khẳng định khi người đứng đầu thật sự tiên phong, chủ động thì cấp dưới sẽ nhìn vào đó để noi theo và mạnh dạn đề xuất, hiến kế.

 

Năm 2024, Thành ủy TP.HCM xác định trọng tâm chủ đề năm là “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội”.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải chia sẻ: TP có thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98 hay không tùy thuộc rất nhiều vào tinh thần, thái độ và trách nhiệm của người đứng đầu trong toàn bộ hệ thống chính trị TP. Khi người đứng đầu dám bứt phá, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thực thi tốt trách nhiệm của mình thì cấp dưới cũng dám hành động, công việc được thực hiện trôi chảy, xuyên suốt…



Xử lý dứt điểm những vụ việc tồn đọng


. Phóng viên: Thưa ông, vì sao năm nay công tác xây dựng Đảng lại được TP.HCM chú trọng và đặt lên hàng đầu?

 

p2+3-nguyen-ho-hai.jpeg

 

 Ông Nguyễn Hồ Hải: Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ lần thứ 24 vào cuối tháng 12-2023, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: Năm 2024 là cuối của nhiệm kỳ 2020-2025, do đó cần tăng tốc, vượt chướng ngại vật để về đích, đồng thời phải thực hiện nhiều nội dung quan trọng nhằm tiến tới kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025). Chính vì tầm quan trọng ấy mà công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong thời điểm hiện nay phải được đặt lên hàng đầu.

Ngoài ra, với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm chính trị, tinh thần tự giác, gương mẫu của các cấp ủy Đảng, các cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong thực hiện Kết luận 21 của Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII cũng sẽ dần tạo bước chuyển biến rõ rệt, hiệu quả, thiết thực trong công tác xây dựng Đảng.

Tôi cho rằng mỗi cán bộ, đảng viên phải làm đúng, làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, để từ đó thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP và đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ chính trị của TP trong năm 2024 cũng như trong các năm tiếp theo.

. Vậy công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ được Thành ủy TP.HCM cụ thể hóa bằng những giải pháp nào, thưa ông?

+ Đầu tiên là về tư tưởng. Các cấp ủy, tổ chức Đảng cần tập trung quán triệt, tạo sự thống nhất về nhận thức cho từng tập thể, cá nhân trong xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Song song đó, cần làm tốt công tác tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý.

Công tác cán bộ cũng phải có giải pháp đổi mới nhằm phát huy trách nhiệm tập thể, cấp ủy và cá nhân người đứng đầu.

Một vấn đề nữa theo tôi là phát huy mạnh mẽ vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị trong việc tăng cường sự lãnh đạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Tăng cường phối hợp giữa chính quyền, MTTQ và các tổ chức, hội để tuyên truyền, vận động thực hiện chủ đề năm gắn với các hoạt động thiết thực, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Điểm mấu chốt ở đây là cần thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương, của TP về kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chú trọng công tác tự kiểm tra, kịp thời xử lý các sai phạm của tổ chức Đảng, đảng viên... Đồng thời giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, vướng mắc, người dân quan tâm trên địa bàn.

 

P3-chuyen-de-anh-bai-chinh-bao-phuong.jpg

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98 đòi hỏi cả hệ thống chính trị TP phải vào cuộc, trong đó có vai trò quan trọng của người đứng đầu các cấp. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

 

Cần người đứng đầu thật sự tiên phong


. Ông nhắc đến vai trò của người đứng đầu. Vậy tinh thần nêu gương của người đứng đầu có vai trò quyết định ra sao ở thời điểm này, nhất là khi TP.HCM đang tập trung thực hiện Nghị quyết 98?

+ Người đứng đầu phải nêu gương trong mọi suy nghĩ và hành động để cấp dưới thuộc quyền quản lý cảm nhận được và noi theo; luôn tạo môi trường làm việc thoải mái để cán bộ mạnh dạn đề xuất, hiến kế, thể hiện năng lực.

Để làm được điều này, quan trọng nhất vẫn là ý thức, trách nhiệm cá nhân của người lãnh đạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Người có chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu.

Nghị quyết 98 mở ra nhiều cơ hội để TP.HCM bứt phá, tăng tốc phát triển nhưng cũng là một thách thức lớn đối với TP. Vì vậy đòi hỏi cả hệ thống chính trị TP phải vào cuộc, trong đó người đứng đầu phải thật sự tiên phong, chủ động, sáng tạo, thực thi nhiệm vụ có trách nhiệm và hiệu quả nhất.



Xây dựng cơ chế ngăn hành vi sai phạm, bảo vệ cán bộ


. Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2023 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ. Vậy cùng với Kết luận 14 của Bộ Chính trị, TP.HCM sẽ có những cơ chế ra sao để khuyến khích đội ngũ cán bộ phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm?

+ Kết luận 14 và Nghị định 73 là điều kiện và cũng là cơ hội để TP.HCM khơi gợi tinh thần dám nghĩ, dám làm, tìm giải pháp mới, cách làm mới nhằm tạo đột phá cho sự phát triển.

Xác định tầm quan trọng của nội dung này, Thành ủy đã ban hành Kế hoạch 124/2022 thực hiện Kết luận 14 và UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch 3815/2022 thực hiện Kế hoạch 124 của Thành ủy TP.

 

Kiểm tra, giám sát gắn với đào tạo, luân chuyển


Năm 2024, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM sẽ tập trung tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy TP kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 98 và Kết luận 14 gắn với đào tạo, quy hoạch, luân chuyển cán bộ, chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ mới.

Với những trường hợp cán bộ thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, không làm những việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm phải làm, làm cản trở hoặc làm chậm các hoạt động của đơn vị, địa phương… sẽ bị kiểm tra làm rõ để chấn chỉnh, xử lý theo quy định.

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP cũng luôn khuyến khích cán bộ dám đột phá và khi chẳng may có rủi ro mà nếu người đó không tiêu cực, vụ lợi… thì cơ quan có thẩm quyền sẽ đứng ra bảo vệ.

Qua kiểm tra, giám sát, xem xét, thi hành kỷ luật các trường hợp vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP nhận thấy nguyên nhân chính là do đảng viên, nhất là người đứng đầu không nêu gương; thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, vi phạm quy chế làm việc và đặc biệt là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình.

Do đó, thời gian tới cần tập trung tham mưu, giúp cấp ủy tăng cường kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy viên cùng cấp, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, nhất là những địa bàn, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, sai phạm, có nhiều đơn, thư tố cáo, phản ánh. Đồng thời tập trung kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm soát tài sản, thu nhập đối với cán bộ thuộc diện ban thường vụ cấp ủy quản lý.

Các đơn vị, địa phương phải quan tâm lựa chọn, đề xuất luân chuyển cán bộ kiểm tra sang các ngành, các cấp và ngược lại để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra của Đảng bộ TP.HCM. Cùng với đó là tăng cường giám sát địa bàn, cơ sở để tránh các vi phạm không đáng có…

 

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM DƯƠNG NGỌC HẢI phát biểu tại hội nghị cuối tháng 1-2024

 

Trong đó, TP.HCM yêu cầu các địa phương, đơn vị, thủ trưởng các đơn vị chủ động triển khai, tạo môi trường làm việc thuận lợi, khuyến khích để cán bộ đăng ký các giải pháp, sáng kiến sáng tạo, cách làm hay nhằm giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt trong thực hiện nhiệm vụ thường xuyên.

TP.HCM sẽ tạo điều kiện cho cán bộ, viên chức có môi trường làm việc thuận lợi nhất để phát huy hết khả năng; đồng thời đảm bảo cho cán bộ được hưởng các cơ chế, chính sách mà Nghị quyết 98 đã quy định. Cùng với đó, TP cũng có cơ chế tôn vinh xứng đáng với cán bộ có đóng góp lớn cho sự phát triển chung của TP, đặc biệt là khen thưởng các cá nhân có giải pháp đột phá, sáng tạo hiệu quả.

Hiện TP.HCM đang xây dựng đề án vận dụng, triển khai thực hiện Kết luận 14 trong phòng ngừa, ngăn chặn hành vi sai phạm và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung khi có rủi ro trong thi hành công vụ. Tôi mong rằng cấp ủy các cấp phải thực sự là chỗ dựa tin cậy cho cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

. Xin cảm ơn ông.•

 

Người đứng đầu phải tạo động lực cho đội ngũ

Trong Nghị quyết 98 dành riêng một điều khoản về tổ chức bộ máy chính quyền và một số cơ chế tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển của TP Thủ Đức. Đây vừa là thời cơ nhưng cũng vừa là thách thức với chính quyền TP Thủ Đức hiện nay.

 

P-p2+3-anh-mau-thu-duc-hoang-giang.jpg

Người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công TP Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG GIANG

 

Nhiều cơ chế được trao giúp địa phương có thêm cơ hội, mở rộng cánh cửa phát triển và giúp giải quyết nhiều vấn đề còn tồn đọng. Nhưng để làm được và mang lại hiệu quả tốt nhất đòi hỏi cả đội ngũ phải cùng chuyển động tích cực.

Lẽ dĩ nhiên, vai trò của người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị luôn được đặt lên trên hết bởi họ có mạnh dạn, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ thì mới có thể làm gương cho đội ngũ cấp dưới. Cạnh đó, họ cũng phải hiểu, nắm bắt được nhu cầu, bức xúc của người dân, doanh nghiệp để biết mình cần làm gì, mọi sự tiến bộ phải luôn gắn với quyền và lợi ích của người dân.

Bên cạnh vai trò tiên phong của người đứng đầu, tôi cho rằng tinh thần đoàn kết, sự vận hành của bộ máy bên dưới cũng rất quan trọng. Công việc chỉ được hoàn thành tốt và có hiệu quả khi được khởi xướng, hoàn thiện bởi một bộ máy cùng đồng lòng, một tập thể luôn nỗ lực cùng đi lên.

TP Thủ Đức cũng luôn xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cấp phải được nâng cao hơn bao giờ hết, phải thúc được đội ngũ bên dưới cùng chuyển động. TP Thủ Đức thành lập mới hơn ba năm và còn rất nhiều việc phải làm. Không kể đến Nghị quyết 98 thì ngay trong hoạt động điều hành hằng ngày chúng tôi đều phải có sự đổi mới và tính trách nhiệm cao để đưa TP Thủ Đức phát triển theo đúng kỳ vọng, là “TP trong TP” đầu tiên của cả nước, xứng đáng là một cực tăng trưởng mới.

Nghị quyết 98 là cơ hội rất lớn để TP Thủ Đức tạo đột phá tăng trưởng nên phải tập trung thực hiện với lộ trình chặt chẽ, hiệu quả. Trong đó, chúng tôi luôn xác định vai trò quan trọng của người đứng đầu cấp chính quyền và cấp ủy để tạo động lực, thúc đẩy các phần việc trong năm 2024, tạo chuyển biến rõ rệt.

Các cấp ủy cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy viên cùng cấp, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, nhất là những địa bàn, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, sai phạm, có nhiều đơn, thư tố cáo, phản ánh…



Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức NGUYỄN HỮU HIỆP

 

........................................................

TS CAO VŨ MINH:


"Đầu tàu" phải dám nghĩ, dám làm, dám đột phá


Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 98, cả hệ thống chính trị TP.HCM phải cùng nỗ lực vượt bậc. Trong đó, yếu tố con người mà cốt yếu là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đóng vai trò rất quan trọng.

Với vai trò cầm lái, đứng mũi chịu sào, người đứng đầu sẽ định hướng và đôn đốc các hoạt động công vụ trong chính cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình lãnh đạo, quản lý. Nếu người đứng đầu quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì hoạt động công vụ chắc chắn có những bước đột phá. Đây là nguyên lý đúng đắn mà tính xác thực đã được thể hiện qua các văn bản, nghị quyết của Đảng, Nhà nước khi đề cập đến trách nhiệm của người đứng đầu. Nhưng phải nhìn nhận rằng dù người đứng đầu có xông xáo, nhiệt thành đến đâu mà không được sự hỗ trợ đắc lực từ những cấp phó của mình thì hoạt động công vụ cũng khó có thể có kết quả tốt.

Người đứng đầu có thể được ví như những đầu tàu, là máy cái trong cơ chế thực thi công vụ thì cấp phó của họ chính là những máy chính, cùng thúc đẩy đoàn tàu tiến bước nhịp nhàng về cùng một hướng. Khi không có được điều đó thì hoạt động công vụ sẽ gặp nhiều trì trệ, thậm chí là bế tắc.

Pháp luật cũng quy định rõ người đứng đầu được quyền chọn, giới thiệu cấp phó cho mình để có đội ngũ làm việc hiệu quả. Nói vậy để thấy sự đồng thuận giữa người đứng đầu và cấp phó của họ là quan trọng.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo, chúng ta rất chú trọng, tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ. Nó là sự kết hợp giữa lãnh đạo tập trung trên cơ sở dân chủ và phát huy dân chủ dưới sự lãnh đạo tập trung. Nếu quá đề cao lãnh đạo tập trung thì dễ dẫn đến tình trạng quan liêu, độc đoán.

Ngược lại, nếu quá đề cao dân chủ thì có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng, vô tổ chức. Vì vậy, phải có sự kết hợp hài hòa giữa lãnh đạo tập trung với phát huy dân chủ, không tuyệt đối hóa hay coi nhẹ mặt nào.

Từ đó có thể thấy nếu người đứng đầu và cấp phó của mình cùng đồng thuận trong giải quyết vấn đề, nguyên tắc tập trung dân chủ xem như đã có công thức giải quyết hài hòa.

Về mặt pháp lý, nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Luật Cán bộ, công chức; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… quy định trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra sai sót, trì trệ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Như vậy, nếu cấp phó của người đứng đầu không phục tùng người đứng đầu thì đó là những sai sót, trì trệ và người đứng đầu hoàn toàn có thể xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định trên dường như là một nghịch lý.

Bởi khi người đứng đầu cơ quan, đơn vị đề xuất xử lý sai phạm của cấp phó thì có “nguy cơ” phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra nhiều hành vi vi phạm trong phạm vi thẩm quyền do mình quản lý. Điều này dẫn đến tình trạng người đứng đầu nếu không muốn đối diện với nguy cơ gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi thì phải “ngó lơ” với sự không phục tùng của cấp phó, dễ dẫn đến hoạt động công vụ chưa hiệu quả.

Rõ ràng nếu cấp phó không ủng hộ hoặc chí ít không có sự đồng thuận thì người đứng đầu rất khó khăn trong thực hiện công việc. Một cỗ máy muốn vận hành hiệu quả thì các máy chính và máy phụ phải cùng hoạt động nhịp nhàng. Sự trật nhịp của các mắt xích lỗi sẽ làm trì trệ hoạt động của bộ máy.

Do đó, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cần được đặt trong mối quan hệ biện chứng với trách nhiệm của các cấp phó của họ. Có thông suốt về tư tưởng thì hành động mới nhịp nhàng, từ đó mới có thể đạt được những kết quả khả quan.

 

 Thí điểm người đứng đầu chọn cấp phó


Hiện nay, trong các quy định của Đảng đều rất quan tâm và nêu rõ chủ trương của Đảng trong việc đẩy mạnh công tác tạo nguồn cán bộ.

Có thể kể đến như Kết luận 24/2012 của Bộ Chính trị nêu rõ các đơn vị, địa phương xây dựng, thực hiện cơ chế tiến cử cán bộ; cơ chế người đứng đầu đề xuất, chuẩn bị người quy hoạch thay thế mình, người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó; thí điểm giao quyền cho bí thư cấp ủy giới thiệu để bầu ủy viên ban thường vụ cấp ủy…

Còn tại Kết luận 21/2021 của Trung ương khóa XIII cùng các văn bản hướng dẫn cũng nhấn mạnh việc người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình, bí thư cấp ủy giới thiệu để bầu ủy viên ban thường vụ và chịu trách nhiệm về việc giới thiệu của mình… (áp dụng từ năm 2023).

 

Nguồn tin : Báo Pháp Luật TP. HCM